Ngày đăng bài: 25/10/2024 15:58
Lượt xem: 9327
NGÔN NGỮ VĂN HOÁ THĂNG LONG HÀ NỘI 1000 NĂM

                                                                

NXB :Thông tin Truyền thông

Năm xuất bản: 2010

Số trang 315

Nhà Xuất Bản Thông Tin Và Truyền Thông

Cuốn sách của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội được biên soạn theo hai mảng vấn đề chính là ngôn ngữ và văn hoá nhưng cả hai lại quyện chặt, gắn bó hữu cơ với nhau.

  • Mảng vấn đề thứ nhất:

Xác định thế nào là tiếng Hà Nội gốc, tuy nhiên việc này đòi hỏi phải có thời gian, phải được tiến hành bằng các cuộc điều tra cơ bản công phu để có cứ liệu chứng minh một cách thuyết phục. Những vỉa tầng ngôn ngữ ẩn sâu theo lịch đại của tiếng Hà Nội gốc cho đến nay chưa được khai thác. Trong cuốn này có một số bài nghiên cứu tiếng Hà Nội trên bình diện ngữ âm như: Thanh điệu tiếng Hà Nội khu vực phố cổ Quận Hoàn Kiếm; Thanh điệu tiếng Nghi Tàm; Thanh điệu tiếng Đông Thiên (Đông Thiên là một trong ba địa danh thuộc xã Vĩnh Tuy trước đây, nay thuộc phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Tuy nhiên về mặt lý luận trong cuốn sách này của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội đã có những bài đề cập đến khái niệm “Tiếng Hà Nội”; Tiếng Thủ đô; Tiếng Hà Nội từ góc nhìn ngôn ngữ - văn hoá học, ngoài ra có bài còn vận dụng lý thuyết làn sóng để nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

  • Mảng vấn đề thứ hai

Đề cập đến văn hoá như đối tượng được ngôn ngữ phản ánh và lưu lại dấu tích qua những cứ liệu ngôn ngữ (các tài liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, các văn bia, câu đối, …). Ngôn ngữ là sản phẩm, đồng thời là yếu tố, phương tiện của văn hóa thì tiếng Hà Nội là tấm gương phản ánh văn hóa Hà Nội và việc sử dụng ngôn ngữ của người Hà Nội là biểu hiện cụ thể, sinh động văn hóa của người Hà Nội. Nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa Hà Nội, một mặt sẽ góp phần vào việc nghiên cứu các vấn đề về ngôn ngữ học, về tiếng Việt, góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn hóa được lưu giữ như thế nào trong ngôn ngữ và vì thế góp thêm tiếng nói vào việc nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Hà Nội, khẳng định nền văn hiến của mảnh đất ngàn năm.Cuốn sách là sự tiếp tục hướng nghiên cứu cụ thể hơn, sâu hơn về từng mảng vấn đề ngôn ngữ văn hóa Thủ đô của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, cung cấp những thông tin rất thú vị, bổ ích cho bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói chung và ngôn ngữ Thủ đô nói riêng.

Sách hiện có tại thư viện Trường đại học Hạ Long, trân trọng giới thiệu!