Ngày đăng bài: 22/03/2023 15:24
Lượt xem: 3205
TÀI NĂNG VÀ ĐẮC DỤNG NGHIÊN CỨU VỀ MỘT SỐ NHÂN TÀI TIÊU BIỂU Ở VIỆT NAM VÀ NƯỚC NGOÀI

                                                         

Tác giả: Nguyễn Hoàng Lương. Phạm Hồng Tung (Chủ biên)

NXB: Chính trị Quốc gia

Năm xb:2008

Số trang: 326tr

Cuốn sách do GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS. Phạm Hồng Tung đồng chủ biên, là công trình khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới thuộc các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế, kinh doanh; khoa học và công nghệ. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm về con đường hình thành, đặc điểm, nhân cách tài năng và biến tài năng đó thành hiện thực, góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho công tác đào tạo, phát triển nhân tài ở nước ta hiện nay và trong tương lai.

Nội dung của cuốn sách gồm 3 phần:

Phần I - Nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. Các trường hợp được lựa chọn để nghiên cứu là Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh và Chulalongkorn. Qua nghiên cứu cho thấy: tài năng kiệt xuất của họ là kết quả của một quá trình đào luyện kiên trì, liên tục, trong đó đào tạo có định hướng kết hợp nhuần nhuyễn với quá trình tự đào tạo là cơ sở để hình thành và phát triển tài năng. Họ đều là những người có hoài bão lớn, tự ý thức được sứ mệnh của họ, ý thức được đầy đủ những đòi hỏi khách quan của thời đại. Và ở đâu, trong thời nào, xây dựng một cơ chế thích hợp để trọng dụng nhân tài vẫn là yếu tố quyết định để có được nhiều nhân tài và để cho các nhân tài có thể đem hết tài năng của mình ra thi thố và đóng góp với đời.

Phần II - Nhân tài trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Các trường hợp được nghiên cứu ở đây là Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein và Thomas Edison. Việc hình thành và xuất lộ tài năng kể cả tài năng đỉnh cao, cũng có thể vừa là kết quả của quá trình đào tạo, vừa là kết quả của quá trình tự đào tạo, trong đó sự kết hợp của cả hai quá trình nói trên trong một lộ trình liên tục “học suốt đời, nghiên cứu suốt đời” chính là yếu tố chung nhất, mang tính quy luật.

Phần III - Nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Các trường hợp nghiên cứu ở đây là Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates. Qua nghiên cứu cho thấy, họ đều vốn không được đào tạo để trở thành chiến lược gia kinh tế hay doanh nhân chuyên nghiệp. Điều này xác nhận một thực tế là nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh đều có thể hình thành và xuất lộ như là kết quả của quá trình tự học, tự đào tạo. Họ đã có quá trình miệt mài học tập, tự đào tạo, nhất là học và tự đào tạo trong thực tiễn. Quan trọng hơn cả là có khát vọng, có ý chí làm giàu, hoài bão lớn lao mang lại lợi ích cho bản thân và cho cả cộng đồng./.

Sách hiện có tại thư viện Đại học Hạ Long, trân trọng giới thiệu!