Ngày đăng bài: 01/09/2021 09:25
Lượt xem: 3890
Ngày Độc lập qua tư liệu lịch sử
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 76 năm qua trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam, mỗi người dân lại bồi hồi xúc động với không khí của ngày thành lập nước qua những tư liệu lịch sử.

Lịch sử ghi lại, sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại và đưa ra quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt Chính phủ lâm thời.

https://photo-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2021_08_31_354_40068979/7084db37b875512b0864.jpg

Không khí ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ngày 28/8/1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, Bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập. Chỉ với 1 nghìn chữ, được sắp xếp trong 49 câu nhưng đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, sắc bén, có cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc.

Từ sáng sớm ngày 2/9, hàng chục vạn người với hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ dồn về phía Ba Đình. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa Quảng trường Ba Đình; các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải phóng đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài; hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội đợi chờ.

Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo kaki và đôi dép cao su cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc "Tiến quân ca" hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ được kéo lên theo nhịp của bài hát. Hàng chục vạn cánh tay nắm chặt tay giơ lên ngang tai, thể hiện lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kiên cường, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Trên lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

https://photo-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2021_08_31_354_40068979/1295bb26d864313a6875.jpg

Bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại căn nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội.

Câu chuyện về chiếc áo Bác mặc trong ngày Quốc khánh

Bộ quần áo kaki Hồ Chủ tịch mặc trong lễ tuyên ngôn độc lập cũng là câu chuyện thú vị. Theo hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì ngày 23/8/1945 Hồ Chủ tịch về đến thôn Gạ (Phú Thượng - Hà Nội), nghỉ ở đây một ngày. Hôm sau Người được Trung ương và Thành ủy bố trí đến ở tại gác 2 số nhà 48 Hàng Ngang (nhà của ông Trịnh Văn Bô - một thương gia yêu nước, cơ sở tin cậy của cách mạng).

Ngày 26, 27/8, tức là khi đã ấn định Lễ tuyên ngôn Độc lập vào 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị cho mỗi thành viên Chính phủ một bộ quần áo thật tươm tất lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Bà Trịnh Văn Bô bồi hồi nhớ lại: "Lúc bấy giờ trong tủ của nhà chúng tôi có rất nhiều vải (vì là nhà buôn vải vóc), tôi lấy ra mấy súc kaki để may cho anh em. Ngoài ra trong tủ cũng có hàng chục bộ quần áo khá sang trọng may sẵn mà ông Bô chưa dùng, nên tôi lấy ra cho các anh mặc tạm trước. Ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy… nhưng tầm người như ông Cụ không hợp bộ nào…"

Gần sát ngày Đại lễ, ông bà Trịnh Văn Bô đã chọn riêng loại vải kaki của Anh và ông Vũ Đình Huỳnh - nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói: "Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt…".

https://photo-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2021_08_31_354_40068979/994536f655b4bceae5a5.jpg

Bộ quần áo kaki Bác Hồ mặc trong lúc đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới một bức ảnh của Xtalin nên ướm thử với Bác may theo kiểu áo đó, cũng không có cà vạt mà oai vệ. Bác mỉm cười nói: "Nhưng mình có phải là Xtalin đâu". Cuối cùng ông Vũ Đình Huỳnh mời ông Phú Thịnh - chủ hiệu may có tiếng ở phố Hàng Quạt tới và trình bày việc muốn may một bộ quần áo cho ông Cụ mặc khi có việc quan trọng, nhưng phải thoải mái, đơn giản, loại bốn túi, mặc kín cổ, đi giày hay dép đều phù hợp.

Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc, dè dặt nói: "Tôi đã mường tượng ra kiểu áo ấy rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù?". Ông Phú Thịnh ngắm nghía tấm ảnh Xtalin rồi nói: "Kiểu tướng soái này oách lắm nhưng không hợp với các cụ người nhà mình. Thôi được tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với Cụ". 2 hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quần áo đến, cười ý nhị nói: "Tôi trộm nghĩ cụ lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một cụ lý… khác thường". Ông Vũ Đình Huỳnh cười đáp lại tình cảm tinh tế của ông thợ may.

Hôm sau, lựa lúc Bác tập thể dục, tắm buổi sáng xong, ông Vũ Đình Huỳnh đem bộ quần áo mới vào. Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: "Được, thế này là hợp với mình". Ông Vũ Đình Huỳnh lúc đó đã rất vui và thầm nghĩ, chỉ trong vài ngày nữa, ông Phú Thịnh sẽ vô cùng sung sướng và ngạc nhiên vinh dự khi "cụ lý" mà mình may quần áo cho lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đọc Tuyên ngôn độc lập tại Vườn hoa Ba Đình để khai sinh ra một quốc gia mới - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đã 76 năm trôi qua kể từ thời khắc lịch sử khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, hình ảnh chiếc áo Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc khi đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 vẫn làm rất nhiều người ấn tượng bởi nó thể hiện phong cách giản dị của Người nhưng không kém phần trang trọng. Khoảnh khắc ngày Lễ Độc lập, ngày Quốc khánh 2/9 mỗi năm đều là ngày lễ trọng đại. Và hình ảnh vị cha già dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu với bộ quần áo kaki màu vàng quen thuộc vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí và trái tim mỗi người dân tộc Việt.

Nguồn tin: sưu tầm