Ngày đăng bài: 28/09/2016 08:22
Lượt xem: 17445
Sinh viên ơi, lên thư viện nhé
Có một nơi không phải là những địa điểm du lịch nhưng vẫn có nhiều sinh viên lựa chọn làm điểm đến vào những lúc rảnh rỗi, dịp cuối tuần và đặc biệt là mùa thi.

Có một nơi không phải là những địa điểm du lịch nhưng vẫn có nhiều sinh viên lựa chọn làm điểm đến vào những lúc rảnh rỗi, dịp cuối tuần và đặc biệt là mùa thi.

Lên đại học, có nhiều chỗ để sinh viên có thể đến. Và có lẽ 4-5 năm đại học không phải là dài cho những chuyến đi, cho những địa điểm hấp dẫn nơi thành phố phồn hoa, nhất là đối với những ai thích du lịch và khám phá. Nhưng có một nơi không phải là những địa điểm du lịch nhưng vẫn có nhiều sinh viên lựa chọn làm điểm đến vào những lúc rảnh rỗi, dịp cuối tuần và đặc biệt là mùa thi. Đó chính là thư viện.

Học ở đại học không giống như ở cấp III, yêu cầu về tính tự học rất cao. Đặc biệt là những trường học theo hệ thống tín chỉ, thời gian sinh viên lên lớp rút ngắn đi nhiều, chủ yếu là thời gian sinh viên tự học tập. Hơn nữa, những tiết học trên lớp chỉ là thời gian giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, đọc sách… Chính vì vậy, vào những tiết tự học thì thư viện là lựa chọn hàng đầu của sinh viên. Có thể là thư viện Quốc gia, phổ biến hơn cả là thư viện trường…

Vì sao sinh viên cần lên thư viện?

Thứ nhất vì thư viện là một kho tàng sách vô cùng đồ sộ, với đủ các loại mà chúng ta tưởng như cả đời cũng chẳng bao giờ đọc hết. Lên đó, sinh viên tha hồ mà lựa chọn. Trong khi các giảng viên luôn yêu cầu sinh viên cần đọc nhiều sách để đào sâu kiến thức, mà sinh viên thì ai cũng biết rồi, làm sao có nhiều tiền đến mức mua hết các loại giáo trình và sách tham khảo. Hơn nữa, có nhiều quyển sách rất quý và hiếm, được xuất bản từ cách đây hàng chục năm và không tái bản nữa. Những cuốn như thế thường chỉ tìm thấy ở thư viện mà thôi. Ở các thư viện trường, sách chuyên ngành cho sinh viên rất phong phú, từ những quyển cổ nhất đến những quyển mới nhất được cập nhật hàng ngày hàng giờ… nhằm phục vụ tối đa cho sinh viên. Có một điều đặc biệt nữa là thư viện trường rất nhiều các luận án, luận văn, báo cáo khoa học, tạp chí chuyên ngành… Vậy sao sinh viên không tận dụng nguồn tài nguyên "vô giá" ấy nhỉ?

Thứ hai, vì thư viện có một không khí học tập tuyệt vời mà chúng ta không thể tìm thấy được ở đâu. Có thể, trên giảng đường, sinh viên đi học một cách uể oải, gượng ép để… điểm danh! Nhưng khi bước chân vào thư viện bạn sẽ thấy mọi người lên thư viện đều là tự nguyện, xuất phát từ niềm đam mê đọc sách và ham tìm tòi, nghiên cứu… Đến đó, thấy mọi người học hành nghiêm túc, chăm chỉ, say sưa… mình không thể không bắt nhịp để hòa chung vào không khí ấy. Và tự nhiên sinh viên được tiếp thêm một nguồn động lực để học tập. Nhất là vào mùa thi, không khí ôn thi mới sôi nổi làm sao! Vì sợ không còn chỗ nên mọi người đều tất tả đến từ rất sớm. Có nhiều người không lên để đọc sách mà để tìm cảm hứng học tập ở đây.

Thứ ba, lên thư viện có thể giúp sinh viên tránh được lãng phí thời gian vào những việc vô bổ. Ở nhà, đi ra đi vào, lượn qua lượn lại… loáng cái đã mất nửa ngày. Rồi khi ngồi bên cái máy vi tính thì mới thấy mất thời gian như thế nào, khi mà chúng ta cứ lang thang trên mạng, đọc hết thông tin nóng trên trang này lại đến tin "hot" trên trang khác…rốt cuộc chẳng học hành được gì. Rồi vô số những việc vặt vãnh khác, tuy nhỏ nhưng lại ngốn thời gian kinh khủng. Trái lại, lên thư viện, ngồi một chỗ với mấy tài liệu, sinh viên còn biết làm gì ngoài việc đọc, nghiên cứu? Thi thoảng ra ngoài thư giãn 5-10 phút, như thế cũng không mất thời gian bằng ở nhà đi ra đi vào đâu! Đáng quý nhất là khi ở thư viện về, mình sẽ cảm thấy vui vì đã sử dụng thời gian hữu ích.

Những điều khiến sinh viên không thích thư viện

Thư viện có không khí học tập tốt nhưng không phải là môi trường hoàn hảo để lôi cuốn được tất cả sinh viên. Thực tế, có nhiều điều khiến sinh viên không thích lên thư viện, dù học ở thư viện rất hiệu quả:

Thứ nhất là thái độ không hay của những người quản lí thư viện và thủ thư. Chắc hẳn có không ít sinh viên cảm thấy ức chế vì điều này. Buổi sáng, đang hăng hái mượn sách đọc thì bị thủ thư mắng té tát đơn giản chỉ vì quên ghi ngày tháng mượn, vậy là mất hết cảm hứng. Có khi phải đợi mãi mới được lấy sách… Nhưng sinh viên ơi, hãy đặt mình vào vị trí của họ để thông cảm cho họ nhé! Trong cùng một lúc họ phải bận rộn phục vụ bao nhiêu người, rồi lại phải làm việc đến tận đêm và cả những ngày nghỉ, họ không căng thẳng sao được!

Thứ hai là lên thư viện sinh viên cảm thấy gò bó, thiếu năng động. Một ngày sẽ tẻ nhạt biết bao nếu sinh viên chỉ biết cắp cặp lên thư viện, ngồi đọc sách cả ngày rồi lại cắp cặp về. Vì thế, sinh viên cần lên kế hoạch lên thư viện hợp lí, không cần phải lúc nào cũng chăm chăm lên đó đọc sách. Một ngày nghỉ, nếu cảm thấy không thích đọc sách ở thư viện, bạn có thể tìm đến một quán cà phê sách bình dân dành cho sinh viên để thay đổi không khí, chắc chắn sẽ rất hiệu quả. Hoặc bạn cũng có thể đi đâu đó, để khám phá cuộc sống thực tế không phải qua những trang sách. Như vậy bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Hay đơn giản chỉ là ở nhà viết lách, tổng hợp những gì đã đọc được. Đừng lên thư viện trong tâm thế gượng ép, vì bạn có ngồi trước quyển sách cũng không thể tập trung được đâu.

Thứ ba, vì những sinh viên ý thức kém… Thư viện là nơi để sinh viên lên đọc sách, nghiên cứu, nhưng nhiều đôi tình nhân lấy cớ ấy để rủ nhau lên thư viện ngồi tâm tình. Hay có nhiều bạn lại biến thư viện thành không gian lí tưởng để...ngủ. Thư viện cần yên tĩnh, nhưng sinh viên lại gây ồn, từ tiếng guốc lộc cộc, tiếng chuông điện thoại reo, đến tiếng nói chuyện điện thoại… tất cả đều khiến bạn mất tập trung. Những lúc ấy sinh viên sẽ phải lên tiếng đóng góp thôi, chắc chắn những người có ý thức sẽ phải thay đổi. Hơn nữa cũng cần có sự quản lí chặt chẽ của những người làm công tác thư viện. Cũng có thể đây là môi trường để sinh viên rèn luyện khả năng tập trung của bản thân.

Có những lí do để sinh viên thích lên thư viện, nhưng cũng có những lí do khiến sinh viên ít đặt chân đến nơi này. Dù sao, lên thư viện cũng chỉ là một trong nhiều phương pháp tự học của sinh viên. Mỗi người hãy sáng suốt lựa chọn cho mình một phương pháp học tối ưu để cảm thấy học thoải mái nhất, hiệu quả nhất. Quan trọng hơn, để sau này khi nhìn lại những năm tháng đại học, chúng ta sẽ không phải hối tiếc vì đã để khoảng thời gian quý giá này trôi qua mà không tích lũy được gì.