Ngày đăng bài: 23/05/2016 09:32
Lượt xem: 16545
Hồ Chí Minh suốt đời vì nước, vì dân
Nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016) và Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và ;làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban biên tập bản tin "Công tác Mặt trận" giới thiệu đôi nét về Hồ Chí Minh"Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất Việt Nam".

Sinh ra và lớn lên tại Làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Hồ Chí Minh - Người được toàn dân ta gọi bằng cái tên thành kính Bác Hồ; là vị anh hùng lớn nhất trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam; Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; Nhà tư tưởng lớn của thời đại; anh hùng giải phóng dân tộc; Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người đã phải chịu nhiều cảnh gian truân, cực khổ và chứng kiến biết bao nỗi nhọc nhằn của người dân mất nước; với lòng yêu nước nồng nàn, ngày 05/6/1911, khi đó chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều Châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ nghĩa và nhiều nước thuộc địa. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa.

Để chuẩn bị cho việc thành lập của những người cộng sản Việt Nam; năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng, Đông dương cộng sản Liên đoàn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.

Các văn kiện của Hội nghị thành lập do Người trực tiếp soạn thảo như Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của nước ta, trở thành cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta. Đó là “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đường lối ấy gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế chân chính, gắn cách mạng Việt Nam với trào lưu cách mạng vô sản. Con đường cứu nước do Hồ Chí Minh vạch ra đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định bằng những thắng lợi vẻ vang, mở ra thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng Mácxít - Lênin chân chính, tiêu biểu cho trí tuệ và phẩm chất đạo đức của giai cấp công nhân và dân tộc ta. Người không chỉ chăm lo đến sự đoàn kết nhất trí, phát huy dân chủ trong Đảng, đồng thời chăm lo giữ gìn kỷ luật của Đảng và bản thân Người luôn là tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Tạo dựng một đội ngũ cách mạng - Đảng Cộng sản Việt Nam đủ sức, đủ tài để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm cho uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng cao, đó là một đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Với khát vọng lớn lao là giải phóng Tổ quốc, giải phóng con người, giải phóng dân tộc đã gắn lãnh tụ Hồ Chí Minh với dân tộc, dân tộc với lãnh tụ, tạo nên sức mạnh lớn lao để dẫn dắt toàn dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi đầu tiên của một cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa. Đó chính là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn và nghệ thuật tổ chức, chỉ đạo tài giỏi, khôn khéo của Đảng Cộng sản Việt Nam do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là thắng lợi của tinh thần yêu nước, ý chí giành độc lập tự do của nhân dân ta mà chính Người là hiện thân và là người tập hợp và phát huy.

Ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, nhận rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa, Hồ Chí Minh đã kịp thời đưa những kế sách văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước, Người chỉ rõ:  “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Chính trí tuệ uyên bác, vốn sống thực tế phong phú và trình độ văn hóa sâu rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng nước ta. Người xác định bản chất, mục tiêu và những biện pháp cơ bản để xây dựng nền văn hóa mới của nước ta. Đó là nền văn hóa “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở” và định hướng mục tiêu của nó là “làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình”, ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”  “phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa thế giới để xây dựng nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Để thực hiện được khát vọng giành độc lập tự do cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tài thao lược quân sự của mình trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Người đã vạch ra đường lối chiến lược đúng đắn, xác định đúng mục tiêu, nhiệm của cách mạng của từng giai đoạn. Hồ Chí Minh là người tổ chức và rèn luyện lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, một quân đội kiểu mới của dân tộc Việt Nam, mang bản chất giai cấp công nhân - bộ đội Cụ Hồ. Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, do Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là nội dung cốt lõi của đường lối quân sự của Đảng ta, là kế sách giữ nước vững bền của dân tộc ta. Tư tưởng quân sự của Người có tính khoa học sâu sắc, thể hiện ở chỗ luôn biết địch, biết mình, luôn luôn hiểu thời hiểu thế, biết tận dụng những bài học với quy luật khách quan của xã hội để giành thắng lợi.

Người chỉ rõ vấn đề cơ bản cũng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội, đấu tranh dân tộc với đấu tranh giai cấp, gắn liền lợi ích của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn chiến lược cách mạng ấy với những sách lược mềm dẻo, linh hoạt, những bước đi thích hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ và đã đưa con đường cách mạng của Việt Nam tiến lên từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Để trở thành nhà văn hóa lớn, Hồ Chí Minh đã trải qua một chặng đường dài mấy chục năm học tập, rèn luyện và hoạt động, trở thành một tài năng văn hóa nhiều mặt; vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, hoạ sỹ, vừa là nhà báo, nhà chính luận; vừa là nhà sáng tác, nhà dịch thuật... Người đã đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam những giá trị đặc sắc, in đậm dấu ấn dân tộc. Người là kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam. Là chiến sỹ tiên phong của nền văn học - nghệ thuât, báo chí cách mạng, đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, tình thương và lẽ phải trên trái đất.

Sự đóng góp của Người về văn hóa rất phong phú và đa dạng, thắm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người, được tỏa sáng trong từng việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Người mãi là hình tượng Việt Nam đẹp đẽ nhất, là hình mẫu của một công dân “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy quyền không thể khuất phục”, là nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tạo văn học - nghệ thuật của văn nghệ sỹ.

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ; năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Người về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân... luôn là di sản vô giá cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau học tập và làm theo.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nguyện: trung thành và kiên định với đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, đủ sức đảm đương nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; giữ gìn phẩm chất và đạo đức cách mạng, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, đi sát cơ sở, đi đến những nơi khó khăn nhất, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy sức mạnh, sáng kiến của nhân dân để giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra; có tinh thần cảnh giác, chủ động chống nguy cơ “tự diễn biến”“tự chuyển hóa”, chống chủ nghĩa cá nhân, có lối sống lành mạnh, giản dị và tiết kiệm; đẩy mạnh chống tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác; đấu tranh chống diễn biến hoà bình, các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ đảng viên của Đảng do Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện; xứng đáng là cán bộ, công chức của Nhà nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun trồng.

Dân tộc ta đã đúc kết một chân lý nổi tiếng: có nhân, có trí, có anh hùng. Đảng ta, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam yêu nước đều có sẵn những nhân tố tốt đẹp ấy. Mỗi người hãy thi đua làm vượt mức kế hoạch; mỗi ngành, mỗi địa phương hãy tập trung hoàn thành tốt những công trình trọng điểm; giai cấp công nhân và nông dân, các nhà tri thức, báo chí, văn nghệ sĩ hãy ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc và toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016; lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại trong năm của đất nước, của dân tộc, đặc biệt chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, góp phần xây dựng cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong sạch, vững mạnh.

Đỗ Mạnh Hùng